Xuất xứ Trà Tuyết
Trà được hái từ cây trà cổ thụ mọc ở độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển, mùa đông thường không có mặt trời còn buổi sáng mùa hè, búp trà cũng ngậm sương mù, hái buốt tay. Dân bản gọi là trà Tuyết (hoặc Shan Tuyết) vì mùa đông tuyết phủ trắng ngọn cây, ấp ủ tinh hoa trời đất đợi đến mùa xuân nảy lộc đâm chồi, người dân hái lượm tự nhiên tạo ra sản phẩm trà sạch, nước mang hương vị đặc biệt thơm ngon.
Trà Tuyết được xem là 1 trong những thức uống thơm ngon bậc nhất so với sản phẩm từ tất cả các vùng trà trên cả nước và trà thái nguyên. Trà chỉ có ở một số nơi thuộc các tỉnh Yên Bái, Hà Giang. Nổi tiếng nhất ở Suối Giàng, Yên Bái; bản Phìn Hồ (xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang ,Tham Vè, Bó Đướt (Vị Xuyên – vùng chè cổ xưa nhất VN).
Mùa vụ thu hoạch Trà Tuyết
Trà Tuyết được thu hoach từ 3 đến 4 lần trong năm. Cuối tháng 3 đầu tháng 4, người ta bắt đầu hái vụ trà đầu tiên (thời điểm trà cho chất lượng cao nhất), vụ thứ hai vào tháng 5 và tháng 6 (vụ có năng suất cao nhất trong năm), vụ thứ ba vào tháng 8 và vụ thứ bốn vào tháng 10 – tháng 11.
Đặc điểm của cây trà Tuyết cổ thụ
Cây trà Shan Tuyết to lớn thân nhuộm màu trắng mốc, uốn lượn nhiều cành buộc người hái phải trèo lên mới thu hoạch đươc. Thừa hưởng khí hậu núi cao quanh năm mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ 1 lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Các gốc trà có thâm niên hơn 300 tuổi, thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp trà to khác hẳn với các loại trà khác. Búp trà có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là trà tuyết - giống trà shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Trà được chế biến theo phương pháp thủ công của người Mông, người Dao…
.Cách thu hoạch và chế biến Trà Tuyết
.Cách thu hoạch và chế biến Trà Tuyết
Đầu tiên trà tươi hái về, chọn những búp trà không bị sâu, không quá già, sau đó đưa vào chảo để sao. Sao trà nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước trà mới xanh. Khi sao trà, phải luôn hơ tay trần vào chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao lửa phải liu riu thật đều, rồi đưa trà ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho trà không bị vữa, vừa không mất hương trà, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám ở búp trà. Trà Shan Tuyết sao thành công phải săn lại bằng hạt đỗ xanh, tuyết phủ trắng và mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn
Cách pha trà tuyết
Để pha được một ấm trà ngon, người pha lấy 1 lượng búp đã sao vừa đủ pha 1 ấm trà, sau đó dùng nước sôi rót vào từ từ, ấm pha phải dùng loại sứ nung già mới có hương thơm đúng vị. Khâu đầu tiên quan trọng nhất phải đánh thức trà để cánh trà dậy hương và đồng thời loại bỏ các bụi còn bám lại sau công đoạn chế biến. Tiếp đó chế nước sôi ở nhiệt độ tầm 90 độ C vào ấm rồi hãm trà trong khoảng 30-45 giây. Khi trà chín thì rót toàn bộ trà trong ấm ra chuyên trà để đảo đều trà, sau đó lần lượt rót ra các chén để thưởng thức. Trà Tuyết có thể pha đến 7 lần nước mà vị trà vẫn còn đượm.
Trà Tuyết khi pha ra nước trà có màu chỉ phơn phớt vàng như mật ong, nước trà sánh, trên bề mặt nước có vương một chút “tuyết” của trà. Nhấp một ngụm trà, người tinh ý có thể nhận thấy đủ các vị: chát, ngọt, ngậy lưu mãi nơi đầu lưỡi; đến lúc trà đậm hương nồng thì thấy nước vàng sậm hơn, mang hương vị ngọt ngào của mật ong rừng; vị ngọt của trà đọng lại trong miệng rất lâu như hương núi rừng tan dần trong miệng. Khi để nguội trà dần ngả từ màu xanh sang màu vàng mật.
Trà Shan tuyết uống có rất nhiều tác dụng tốt cho cơ thể như chống ôxy hóa, giúp mọi người tỉnh táo, sảng khoái…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét